Phòng, chống xâm hại trẻ em – nguyên nhân và giải pháp
Để trẻ em có được môi trường vui chơi, an toàn, lành mạnh tránh bị tổn hại về sức khỏe lẫn tinh thần và chuẩn bị hành trang tốt nhất cho năm học mới, Công an tỉnh Kon Tum chia sẻ đến các bậc phụ huynh và các em về các hình thức xâm hại trẻ và kỹ năng phòng tránh xâm hại, tránh xâm hại.
Ảnh minh hoạ
Tội phạm xâm hại trẻ em là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cũng như sự phát triển bình thường, lành mạnh cả về thể chất và tinh thần của trẻ em. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện, điều tra, xử lý 13 vụ/19 đối tượng xâm hại 13 trẻ em; đáng chủ ý xảy ra 8 vụ/10 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 57% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng về lứa tuổi, thành phần xã hội, phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế; lợi dụng mối quan hệ từ trước với trẻ em (bạn bè, hàng xóm, họ hàng, bạn của bố, mẹ, người thân trong gia đình…) nên các em thường không có ý thức tạo khoảng cách, phòng vệ hoặc ở trong tình trạng không thể phòng vệ được, từ đó thực hiện các hành vi xâm hại như: Mua bán trẻ em; Xâm hại tính mạng, sức khỏe; Xâm hại tình dục trẻ em;
* Nguyên nhân xảy ra tội phạm
- Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là trẻ em gái, trẻ em vùng đồng bào thiểu số; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt.
- Một số trẻ em phát triển sớm về thể chất, được tiếp cận với công nghệ từ sớm, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát tràn lan trên mạng internet,… nhưng thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường; chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu độc trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng để tiếp cận, làm quen, dụ dỗ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
* Dấu hiệu trẻ em bị xâm hại
- Trên cơ thể có những vết thâm tím, trầy xước; vết thương xuất hiện ở những nơi khó có thương tích khi bị ngã; vết gẫy, rạn xương; vết bỏng do thuốc lá, bàn là, nước sôi xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể.
- Trẻ em bị xâm hại tình dục thường có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu, hay có dịch nhầy.
- Trẻ sợ hãi, hoảng loạn, né tránh tiếp xúc, ngượng ngùng khi giáp mặt đối tượng; hay bị giật mình, khóc lóc, gặp ác mộng, nói nhảm.
- Không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…; kết quả học tập giảm sút.
* Kỹ năng phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại
Nhà trường và các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm nhắc nhở các em chú ý:
- Không đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; không mang theo những phương tiện, đồ vật, tài sản có giá trị.
- Không đi nhờ xe người lạ hoặc cho người lạ đi nhờ xe; không sử dụng, ăn uống đồ của người lạ đưa; không ở lại trong phòng kín một mình với người lạ (nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở).
- Không nhận tiền, quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; Cảnh giác, cân nhắc trước những lời rủ rê đi chơi, ăn uống, hát hò, du lịch… của người khác mà không rõ lý do.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình; không để cho người lạ đến gần tới mức có thể chạm vào người mình.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân, họ hàng.
- Phân biệt cử chỉ thân mật đúng mực với cử chỉ sàm sỡ, quấy rối hoặc lợi dụng để xâm hại, quấy rối tình dục… (Không cho ai tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với bản thân).
- Không dễ dãi kết bạn, làm quen với người lạ; cẩn thận, cân nhắc khi tiếp xúc, kết bạn với người lạ trên môi trường mạng xã hội.
- Kịp thời nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ em uống bia, rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy; vuốt ve, sờ mó bộ phận sinh dục; rủ đi chơi đêm, vào những chỗ tối, vắng người…. khi đó phải kiên quyết phản đối, có thể la hét, khóc lóc, cắn, kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới chỗ đông người.
- Báo ngay cho bố mẹ, người thân hoặc gọi điện đến đường dây nóng số 111, 113, 115… khi bị đe dọa hoặc bị các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.
Khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ em, nhà trường và các bậc phụ huynh cần kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận, giải quyết.