Tuyên truyền kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum ( 25/9/1930 - 25/9/2023)
Tự hào truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong 93 năm qua!
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới phát triển ở tốc độ nhanh. Để tìm kiếm thị trường thuộc địa, thực dân Pháp đẩy mạnh chiến tranh xâm lược đến nhiều nơi trên thế giới. Năm 1858, Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng. Đến ngày 6 tháng 6 năm 1884, bằng Hòa ước Giáp Thân, Việt Nam bị đặt dưới quyền đô hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1888, Pháp đã gạt ảnh hưởng của Triều Nguyễn ra khỏi đời sống chính trị Tây Nguyên nói chung và địa bàn Kon Tum nói riêng. Ngày 16-10-1898, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là Boulloche đã đưa ra yêu sách chính trị đòi triều đình Huế phải để cho Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế toàn vùng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trước áp lực mạnh mẽ về quân sự của Pháp, năm 1899, triều đình Huế buộc lòng phải nhượng bộ chúng. Kể từ đó, toàn bộ vùng dân cư các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên đều thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Để áp đặt bộ máy cai trị, thực dân Pháp đã triển khai ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng nhiều chính sách rất thâm độc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Liên tục dùng quân sự đàn áp, dùng thủ đoạn chính trị mua chuộc, từ Chiến tranh thế giới thứ nhất đến những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đặt được bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội gắn liền với nhau thể hiện ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau khi ra đời, Đảng ta đã phát động một cao trào cách mạng chống đế quốc thực dân, phong kiến rộng lớn trên quy mô cả nước, đó là cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết – Nghệ Tĩnh. Mặc dù cuối cùng bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, nhưng cao trào đã gióng lên hồi chuông báo động, làm thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, với sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo ý thức hệ tư tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ngày 25-9-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum được thành lập (còn gọi là Chi bộ binh) gồm bốn đảng viên: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ (đội Thơ hay đội Phụng), Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ), do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đồng chí Đệ là người có công lập ra tổ chức đảng cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Đây là sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng ở tỉnh Kon Tum. Chỉ trong vòng nửa năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở tỉnh Kon Tum đã ra đời một chi bộ đảng. Sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động, tuyên truyền, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đầu những năm 1930 và về sau. Ngày 25-9-1930 - ngày ra đời của Chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum đã trở thành Ngày Kỷ niệm truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum1.
Ngày 25-8-1945, Kon Tum hoàn thành việc giành chính quyền về tay cách mạng, nhưng vẫn chưa có tổ chức Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo. Trước tình hình đó, giữa tháng 10-1945, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tăng cường cán bộ lên tỉnh Kon Tum, tạo điều kiện xây dựng thực lực cách mạng của quần chúng và chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức đảng, trong số đó có đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) ở Gia Lai, đồng chí Xuân Lẫm ở Phú Yên được điều động lên công tác tại tỉnh Kon Tum. Đến cuối năm 1945, trên cơ sở số đảng viên được tăng cường và các đảng viên mới kết nạp, Chi bộ Đảng ở tỉnh Kon Tum đã được thành lập gồm 6 đồng chí, do đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) làm Bí thư. Sau đó Chi bộ phát triển thêm đảng viên và thành lập thêm một chi bộ trong lực lượng vũ trang do đồng chí Lê Tự Thắng làm Bí thư. Đầu tháng 2-1946, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập gồm 4 thành viên là đồng chí Võ Thị Hồng Sâm, phụ trách công tác thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Đức, phụ trách quân sự; đồng chí Lê Tự Thắng, chính trị viên, phụ trách công tác chính trị, đồng chí Trần Lung, Xứ ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách chính quyền. Qua thời gian xây dựng và phát triển, ngày 09-3-1960, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ I đã được tổ chức tại núi Ngọc Linh, làng Mô Gia (nay thuộc xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông). Có 33 đại biểu thay mặt cho 524 đảng viên và 82 chi bộ trong toàn tỉnh về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ đầu tiên gồm 13 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí Đồng chí Trần Kiên được bầu làm Bí thư.
Từ năm 1975 đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh Kon Tum không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và đã xây dựng nên những truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng bộ. Đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn bó mật thiết với nhân dân các dân tộc; kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng bộ; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế...
Những truyền thống quý báu đó là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Những truyền thống đó có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, trình độ trí tuệ ngày càng được nâng cao của Đảng bộ tỉnh. Học tập, nghiên cứu lịch sử và truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum để tự hào về Đảng bộ và góp phần giữ vững, kế thừa, phát huy những truyền thống đó, làm cho Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.